Biến thể Lambda (biến thể C.37) (Thứ ba, 06 tháng 07, 2021)

VTV.vn - Biến thể SARS-CoV-2 mang tên Lambda đang được Tổ chức Y tế Thế giới quan tâm và được giám sát kỹ lưỡng vì biến thể này xuất hiện ở ngày càng nhiều nước.

Hiện số ca bệnh COVID-19 nhiễm biến thể Lambda ngày càng tăng và các nhà khoa học cảnh quan ngại rằng, biến chủng này mang các đột biến có khả năng khiến nó trở nên kháng các kháng thể trung hòa mạnh hơn.

Biến thể Lambda (biến thể C.37) được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 ở Peru và đang rất được quan tâm theo dõi. Tính đến giữa tháng 6/2021, biến thể này đã được phát hiện ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có số ca nhiễm COVID-19 đặc biệt cao ở khu vực Nam Mỹ.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong Bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần được công bố vào ngày ngày 15/6: "Biến thể Lambda là nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng cao đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 tăng theo thời gian. Lambda mang một số đột biến có liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa".

WHO cho biết, hiện có rất ít bằng chứng về tác động của đột biến này và cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về cách ngăn chặn sự lây lan và cách vaccine COVID-19 chống lại các biến thể.

Nhà virus học của WHO Jairo Mendez-Rico cho biết, đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy, biến thể Lambda dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc số bệnh nhân tử vong cao hơn.

Theo ông Pablo Tsukayama, một nhà virus học của Đại học Cayetano Heredia tại Lima, Peru đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện và hoành hành của biến thể Lambda.

Quốc gia Nam Mỹ này có tỷ lệ số ca tử vong vì COVID-19 trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu diễn ra, với 586 người thiệt mạng trên 100.000 dân vào ngày 5/7. Con số này cao hơn gần 89% so với Hungary, quốc gia có tỷ lệ số ca tử vong vì COVID/19 trên đầu người đứng thứ hai trên toàn cầu, với 310,5 người tử vong trên 100.000 dân. Theo các nhà chức trách Peru, hiện nay, hơn 80% số trường hợp nhiễm bệnh mới kể từ tháng 4 ở nước này có liên quan đến biến thể Lambda.

Khoảng 1/3 số ca nhiễm mới ở Chile được phát hiện trong 2 tháng qua là bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda, tỷ lệ này tương đương với biến thể Gamma lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil.

Tại Anh, vào ngày 23/6, biến thể Lambda được nhận định là một "biến thể đang được điều tra" (VUI), sau khi khoảng 50% trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể này được ghi nhận trên toàn nước Anh. Con số trên hiện nay là 80%. Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết, hiện tại "không có bằng chứng nào cho thấy biến thể này khiến bệnh COVID-19 diễn tiến nặng hơn hoặc làm cho các loại vaccine hiện đang được triển khai kém hiệu quả hơn".

Từ ngày 5/7, không có trường hợp mắc biến thể Lambda nào được báo cáo ở Canada.

Trong khi vẫn còn rất ít nghiên cứu về biến thể Lambda, các nhà khoa học ở Brazil đã viết trong một nghiên cứu trước đây, biến thể này chưa được đánh giá ngang hàng và họ tin rằng, Lambda có “tiềm năng đáng kể để trở thành một biến thể đáng quan tâm (VOC)”. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy, biến thể Lambda dễ lây truyền hơn các biến thể Alpha và Gamma và CoronaVac, vaccine COVID-19 của hãng Sinovac, kém hiệu quả hơn đối với biến chủng này.

https://vtv.vn/the-gioi/chung-ta-da-biet-gi-ve-bien-the-covid-19-moi-mang-ten-lambda-20210706153415877.htm