GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định về làn sóng lây nhiễm COVID-19 (Thứ tư, 17 tháng 02, 2021)

Sau 325 ngày (từ 11-3-2020) đại dịch thế giới đã đạt đỉnh làn sóng lây nhiễm thứ 1

Kể từ 31-12-2019 khi Trung Quốc thông báo có bệnh viêm hô hấp do 1 loại virus lạ gây ra, sau 70 ngày, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố đại dịch toàn cầu vào ngày 11-3-2020. Khi đó toàn thế giới đã có 148.405 người bị nhiễm, 66.715 người bị nhiễm đang được điều trị ở các cơ sở y tế, 4.635 người chết vì COVID-19 và lây nhiễm đã xảy ra ở 117 nước và vùng lãnh thổ.

Kể từ đó dịch phát triển ra thêm 102 nước, số người nhiễm tăng lên 108.855.899 (tính đến 13-2-2020), số người đang phải điều trị tăng liên tục đạt đỉnh vào 30-1-2021 với 26,1 triệu người, đến 13-2-2021 giảm còn 25,4 triệu người.

Tổng số người chết là 2,347 triệu người (bình quân 311 người chết/1 triệu dân). Tức là đại dịch COVID-19 xét trên phạm vi toàn cầu đang trải qua làn sóng lây nhiễm lần thứ 1, đạt đỉnh vào 30-1-2021 (hình 1).

Khi Tổ chức Y tế thế giới công bố đại dịch toàn cầu (11-3-2020), bình quân 1 triệu người dân thì có 9 người nhiễm đang được điều trị. Có thể coi đây chính là ngưỡng phân biệt giữa thế giới có lây nhiễm, nhưng chưa phải là dịch (dưới 10 người đang được điều trị/1 triệu dân) và thế giới đã có dịch (trên 10 người đang được điều trị/1 triệu dân).

Nói một cách khác, với công bố "Thế giới có đại dịch COVID-19" vào ngày 11-3-2020 của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể coi mức độ lây nhiễm thể hiện qua chỉ số "Số người nhiễm đang được điều trị ở các cơ sở y tế trên 1 triệu dân là 10 người" là ngưỡng an toàn dịch của thế giới và có thể vận dụng để đánh giá tình hình lây nhiễm của một quốc gia hay vùng lãnh thổ, bên cạnh các chỉ số khác như: tổng số người đã nhiễm tích lũy; số ca nhiễm mới mỗi ngày; tổng số người chết tích lũy; số người chết mỗi ngày. Các chỉ số này phụ thuộc vào dân số các nước nên không dùng để so sánh giữa các nước với nhau được.

Ngày 17-10-2020, tỉ lệ này trên thế giới là 1.166 người đang được điều trị/1 triệu dân, gấp hơn 116 lần lúc mới công bố có dịch và ngày 30-1-2021, bình quân toàn thế giới có 3.380 người bị nhiễm COVID-19 đang được điều trị/1 triệu dân, gấp 338 lần lúc mới công bố dịch.

Câu hỏi lúc này là: Khi nào thì mức độ lây nhiễm toàn cầu, đo bằng số người đang được điều trị tại các cơ sở y tế sẽ giảm xuống mức dưới 10 người/1 triệu dân, tức là còn lây nhiễm song không phải là còn có dịch, như trước ngày 11-3-2020.

Hiện nay chưa có cơ sở khoa học để đưa ra dự báo này, vì điều kiện, phương pháp phòng dịch trong thời gian tới sẽ rất khác giai đoạn trước 1-2-2021, tức là khi vắc xin phòng COVID-19 chưa được sử dụng rộng rãi và việc các vắc xin có tác dụng thế nào với các biến thể của virus corona chưa biết được.

Một cách rất sơ bộ và rất lạc quan thì có thể ước đoán: thời gian dịch bùng phát từ 11-3-2020 đến lúc đạt đỉnh lần 1 vào 30-1-2021 là 325 ngày, thì thời gian dịch giảm dần đến mức còn lây nhiễm song không còn dịch cũng khoảng 325 ngày. Tức là sớm nhất thì cuối năm 2021, đầu năm 2022 thế giới sẽ không còn dịch, song vẫn còn lây nhiễm quy mô nhỏ ở nhiều nước.

Nghĩa là thế giới chuyển sang trạng thái bình thường mới: có lây nhiễm, song không có dịch. Tuy nhiên khi đó ở một số nước vẫn có thể còn dịch, với tỉ lệ người nhiễm phải được điều trị vượt mức 10 người/1 triệu dân.

Các nước đã trải qua các làn sóng lây nhiễm khác nhau

Israel đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm

Với dân số 8,5 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Israel là không quá 85 người đang được điều trị (không quá 10 người/1 triệu dân). Đến nay Israel đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm và là nước có dịch liên tục

Khi làn sóng lây nhiễm 1 đạt đỉnh ngày 15-4-2020, thì có 9.800 người đang được điều trị, gấp 115 lần ngưỡng an toàn dịch. Các biện pháp chống dịch đã đem lại tác dụng là sau đó số người nhiễm mới và số người đang được điều trị giảm dần, song vẫn còn chưa đạt ngưỡng an toàn (ngày 31-5-2020 có 1.974 người đang được điều trị, gấp 23 lần ngưỡng an toàn dịch).

Tuy nhiên do sau đó các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, lây nhiễm lại gia tăng, đến ngày 27-7-2020 làn sóng thứ 2 đạt đỉnh với 36.378 người đang được điều trị, gấp 428 lần ngưỡng an toàn dịch. Các biện pháp siết chặt phòng chống lây nhiễm lần 2 đã phát huy tác dụng, số người đang được điều trị giảm còn 20.305, song vẫn cao hơn 238 lần ngưỡng an toàn dịch.

Các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm lại được nới lỏng và làn sóng dịch lần 3 lại bùng phát, mức độ nặng hơn làn sóng lần thứ 2 (ngày 1-10-2020 có tới 72.400 người nhiễm phải được điều trị ở các bệnh viện).

Sau đó số người được điều trị giảm còn 8.274 người, ngày 18-11-2020, các biện pháp phòng dịch lại được nới lỏng, làn sóng dịch thứ 4 lại bùng phát với mức độ cao hơn nữa, 84.484 người nhiễm được điều trị vào ngày 5-2-2021.

Nhận xét: Israel là nước có khoa học công nghệ rất tiên tiến, GDP/người đạt hơn 42.800 USD (gấp gần 15 lần Việt Nam), song việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm khi mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa dưới mức an toàn dịch (dưới 10 người đang được điều trị/1 triệu dân) đều làm dịch bùng phát trở lại, lần sau phức tạp hơn lần trước.

Hong Kong đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm

Với dân số 7,5 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Hong Kong là không quá 75 người đang được điều trị ở các bệnh viện. Đến nay Hong Kong đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm, là nơi đang còn dịch.

Sau khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 1 đạt đỉnh ngày 9-4-2020 với 677 người nhiễm đang được điều trị (gấp 9 lần ngưỡng an toàn dịch 75 người), các biện pháp siết chặt phòng chống lây nhiễm đã làm giảm số ca nhiễm mới và số người phải điều trị, đến 9-5-2020, Hong Kong đã đạt ngưỡng an toàn dịch (có 74 người đang được điều trị, thấp hơn ngưỡng an toàn 75 người) và đến 18-5-2020 chỉ còn 27 người đang được điều trị.

Tuy nhiên các biện pháp nới lỏng phòng chống dịch và sự không tuân thủ của một số người dân đã dẫn đến đợt bùng phát dịch lần 2, với đỉnh dịch vào ngày 2-8-2020 có 1.519 người đang được điều trị.

Các biện pháp nới lỏng sau khi số người đang được điều trị đạt mức 124 người (gấp 1,65 lần mức an toàn dịch) đã lại làm bùng phát làn sóng dịch thứ 3 rồi thứ 4. Hiện nay số người đang được điều trị là hơn 400 người, gấp 5 lần ngưỡng an toàn dịch.

Bài học: Hong Kong là 1 vùng lãnh thổ giàu, GDP/người hơn 49.300 USD (gấp hơn 17 lần của Việt Nam). Việc kiểm soát dịch chặt chẽ làm mức độ lây lan giảm xuống dưới mức an toàn dịch (10 người/1 triệu dân), song không thể chủ quan, nới lỏng quá mức khi không có dịch song vẫn còn lây nhiễm quy mô nhỏ, vì dịch hoàn toàn có thể bùng phát trở lại.

Nhật Bản đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm

Với dân số 126,4 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Nhật Bản là không quá 1.264 người đang được điều trị ở các bệnh viện. Đến nay Nhật Bản đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm và là nước đang có dịch.

Sau khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 1 đạt đỉnh ngày 29-4-2020 với 11.114 người đang được điều trị (gấp 8,8 lần ngưỡng an toàn dịch 1.264 người), các biện pháp siết chặt phòng chống dịch đã làm giảm số ca nhiễm mới và số người đang được điều trị, đến 5-6-2020, Nhật Bản đã đạt ngưỡng an toàn dịch (có 1.185 người đang được điều trị, thấp hơn ngưỡng an toàn dịch 1.264 người).

Thậm chí đến 20-6-2020 chỉ còn 770 người nhiễm được điều trị ở các bệnh viện. Tuy nhiên các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ đã làm dịch bùng phát trở lại, với đỉnh làn sóng thứ 2 vào ngày 12-8-2020 với 14.263 người đang điều trị.

Sau khi số người đang được điều trị giảm còn 5.147 người (gấp 4 lần ngưỡng an toàn dịch), các biện pháp nới lỏng kiểm soát lây nhiễm đã làm bùng phát dịch lần thứ 3, với đỉnh dịch vào ngày 19-1-2021 với 72.061 người đang được điều trị, gấp 57 lần ngưỡng an toàn dịch. Hiện nay còn 26.953 người đang được điều trị, gấp 21 lần ngưỡng an toàn dịch.

Bài học: Nhật Bản là một nước có khoa học công nghệ rất tiên tiến, GDP/người hơn 40.800 USD (gấp hơn 14 lần của Việt Nam). Mặc dù sau làn sóng lây nhiễm lần thứ 1, Nhật Bản đã đạt mức an toàn dịch, song việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch sau đó đã làm bùng phát làn sóng dịch lần thứ 2 và thứ 3, với mức độ lần sau trầm trọng hơn lần trước.

Thái Lan đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm

Dân số Thái Lan là 69,78 triệu người, nên ngưỡng an toàn dịch là không quá 698 người nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện. Đến nay Thái Lan đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm.

Sau khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 1 đạt đỉnh vào 9-4-2020 với 1.451 người đang được điều trị (gấp 2 lần ngưỡng an toàn dịch 698 người), các biện pháp kiểm soát dịch đã làm giảm số người nhiễm mới và số người đang được điều trị ở các cơ sở y tế, đến ngày 21-4-2020 Thái Lan đã đạt ngưỡng an toàn dịch khi chỉ còn 655 người đang được điều trị.

Từ 21-4-2020 đến 19-12-2020, tức là trong gần 8 tháng (241 ngày) Thái Lan đã liên tục duy trì được số người đang được điều trị dưới mức an toàn dịch 698 người, được coi là một nước rất thành công trong kiểm soát dịch COVID-19.

Tuy nhiên sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch vào 17-12-2020 và với sự trở lại của người lao động nước ngoài, ngày 20-12-2020 số người đang được điều trị đã tăng lên 806 người, vượt ngưỡng an toàn dịch và chỉ sau 17 ngày đã tăng vọt đến mức 4.847 người đang điều trị, gấp 7 lần ngưỡng an toàn dịch.

Các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch sau đó đã làm giảm mức lây nhiễm và còn 2.704 người đang điều trị, ngày 16-1-2021, tuy nhiên sự nới lỏng sau đó lại làm tăng mức lây nhiễm lên 7.158 người đang được điều trị, ngày 2-2-2021 gấp hơn 10 lần ngưỡng an toàn dịch.

Bài học: Một đất nước có thể giữ an toàn dịch suốt 8 tháng liên tục (hơn 240 ngày), song việc nới lỏng kiểm soát dịch và không kiểm soát được người nhập cư có thể nhanh chóng làm dịch bùng phát trở lại với mức độ cao hơn nhiều so với trước kia.

Ba làn sóng lây nhiễm COVID-19 của Việt Nam

Với dân số 97 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Việt Nam là 970 người nhiễm đang được điều trị ở các cơ sở y tế. Sau làn sóng thứ nhất, tháng 3-2020 - 4-2020, làn sóng thứ hai, 7-2020 - 9-2020, chúng ta đang bước vào làn sóng thứ ba, 1-2021 - 3-2021.

Trong suốt hơn 1 năm qua, từ 23-1-2020 đến nay, số người đang được điều trị COVID-19 ở Việt Nam luôn thấp hơn ngưỡng an toàn dịch 970 người. Do đó Việt Nam là nước có lây nhiễm đã qua 2 làn sóng lây nhiễm và đang bước vào làn sóng thứ 3, song là nước không có dịch COVID-19.

Làn sóng lây nhiễm thứ nhất đạt đỉnh ngày 2-4-2020, với 158 người đang được điều trị. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 đạt đỉnh ngày 17-8-2020, với 492 người đang được điều trị. Làn sóng thứ 3, bắt đầu 27-1-2021, ngày 13-2-2021 có 631 người đang được điều trị (số liệu của tổ chức thống kê thế giới Worldometer).

Nếu áp dụng tiêu chí ngưỡng an toàn dịch 10 người được điều trị/1 triệu dân cho một số tỉnh, thành phố của Việt Nam trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 và thứ 3, thì có một số địa phương là nơi có dịch thực sự.

Lây nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng bắt đầu bùng phát vào 27-7-2020 với 14 người phải điều trị COVID-19 ở các bệnh viện, trong đó có 11 ca nhiễm mới trong ngày 27-7-2020. Đến ngày 14-8-2020, lây nhiễm đạt đỉnh với 280 người đang được điều trị ở các bệnh viện.

Với dân số 1,14 triệu người thì số người đang được điều trị là 245 người/1 triệu dân, gấp hơn 24 lần ngưỡng an toàn dịch của Đà Nẵng (11 người đang được điều trị). Tức là Đà Nẵng là thành phố có dịch COVID-19, mặc dù cả nước Việt Nam không có dịch, và ngày 17-8-2020, cả nước có 492 người nhiễm đang được điều trị, thấp hơn ngưỡng an toàn dịch của Việt nam là 970 người đang được điều trị.

Đến ngày 29-8-2020, Đà Nẵng không còn có ca nhiễm mới, song trong các bệnh viện vẫn còn 159 người đang được điều trị, gấp 14 lần ngưỡng an toàn dịch. Vì vậy không thể coi là dịch đã kết thúc. Đến ngày 22-9-2020 còn 12 người đang được điều trị ở các bệnh viện và ngày 23-9-2020, tất cả được ra viện.

Lúc này Đà Nẵng mới được coi là hết dịch. Tức là thời gian dịch bùng phát ở Đà Nẵng là 19 ngày, thời gian để không còn phát sinh lây nhiễm cộng đồng là 34 ngày (19 ngày + 15 ngày), và thời gian dịch kết thúc là 59 ngày (34 ngày + 25 ngày).

Như vậy thời gian để số người đang được điều trị giảm và đạt ngưỡng an toàn dịch là 40 ngày (15 ngày + 25 ngày), gấp 2 lần thời gian dịch bùng phát (19 ngày).

Với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của Việt Nam, Hải Dương là địa phương có mức độ lây nhiễm rất cao.

 

Với dân số 1,9 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Hải Dương là 19 người đang được điều trị ở các bệnh viện. Ngày 27-1-2021 xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện, thì chỉ sau 1 ngày đã có thêm 72 ca lây nhiễm cộng đồng, tổng cộng có 77 người nhiễm phải được điều trị, lớn gấp 4 lần ngưỡng an toàn dịch. Tức là Hải Dương là tỉnh có dịch COVID-19.

Đến ngày 14-2-2021, số người được điều trị là 418 người, gấp 22 lần ngưỡng an toàn dịch của tỉnh. Hiện nay, sau 19 ngày chưa biết được khi nào thì dịch ở Hải Dương đạt đỉnh.

Với mức tăng số người phải điều trị ở các bệnh viện trong 4 ngày qua là 120 người, thì nhiều khả năng sau 4 ngày nữa, tức đến 18-2-2021, số người cần được điều trị sẽ tăng thêm không dưới 60 người, tổng số người đang điều trị sẽ khoảng 480 người, gấp 25 lần ngưỡng an toàn dịch. Tức là Hải Dương có nguy cơ trở thành địa phương có dịch COVID-19 nặng hơn Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm gấp 24 lần ngưỡng an toàn dịch.

Từ thực tế của Đà Nẵng là dịch kết thúc sau 59 ngày (số người đang được điều trị ở các bệnh viện thấp hơn ngưỡng an toàn dịch của địa phương), thì có thể dự đoán dịch COVID-19 ở Hải Dương sẽ kết thúc không sớm hơn 60 ngày, tính từ ngày 27-1-2021, tức là vào cuối tháng 3-2021 với số người nhiễm đang được điều trị ở các bệnh viện không quá 19 người. Dĩ nhiên đây chỉ là dự báo sơ bộ để tham khảo.

Khi Đà Nẵng bắt đầu xảy ra lây nhiễm mạnh ở cộng đồng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng công bố Đà Nẵng là thành phố có dịch và tiến hành các biện pháp phong tỏa, cách ly rất quyết liệt. Do đó sau 34 ngày không còn phát sinh lây nhiễm trong cộng đồng.

Cho đến nay, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chưa công bố tỉnh Hải Dương là tỉnh có dịch, mặc dù mức độ lây nhiễm ở tỉnh đã cao gấp 24 lần ngưỡng an toàn dịch theo tiêu chí mà Tổ chức Y tế thế giới đã công bố là thế giới có đại dịch COVID-19 vào 11-3-2020.

Điều này có thể đã dẫn đến sự chủ quan của một bộ phận người dân trong việc phòng chống dịch và các biện pháp đã triển khai chưa tương xứng với tình hình là Hải Dương đang là một tỉnh có dịch với mức lây nhiễm cộng đồng cao hơn 20 lần ngưỡng an toàn dịch.

Ngoài Hải Dương và Quảng Ninh, từ 27-1-2021 đến nay đã có lây nhiễm cộng đồng ở 11 tỉnh, thành phố khác với mức độ khác nhau, song nhìn chung là thấp. Hà Nội, TP.HCM có lây nhiễm song không có dịch, vì số người đang điều trị COVID-19 ở các bệnh viện của Hà Nội là 4 người/1 triệu dân, ở TP.HCM là 4 người/1 triệu dân, thấp hơn nhiều ngưỡng an toàn dịch 10 người/1 triệu dân.

Mức độ lây nhiễm ở Hải Dương hiện nay (220 người đang điều trị/1 triệu dân) cao gấp 55 lần mức lây nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM (4 người đang điều trị/1 triệu dân). Tức là mức độ lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nội và TP.HCM chỉ bằng chưa tới 2% mức độ lây nhiễm ở Hải Dương. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và các tỉnh khác đang quyết liệt phòng chống dịch.

Vì vậy làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 ở Việt Nam hiện nay khi nào kết thúc chủ yếu phụ thuộc vào dịch COVID-19 ở Hải Dương bao giờ kết thúc.

GS NGUYỄN THIỆN NHÂN (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM)