Nhà sinh học tiến hóa Vaughn Cooper và nhà dịch tễ học Lee Harrison làm việc cùng nhau để tìm hiểu sự tiến hóa của các mầm bệnh. Trong hơn một năm rưỡi qua, họ đã theo dõi chặt chẽ cách đột biến của virus SARS-CoV-2 trên khắp thế giới.
Virus đột biến như thế nào
Đối với bất kỳ sinh vật nào, kể cả virus, sao chép mã di truyền là bản chất của quá trình sinh sản - nhưng quá trình này thường không hoàn hảo. Virus SARS-CoV-2 sử dụng RNA làm thông tin di truyền và việc sao chép RNA dễ bị lỗi hơn so với DNA. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, khoảng 3% bản sao virus mới có một lỗi ngẫu nhiên, hay còn gọi là đột biến.
Mỗi lần nhiễm bệnh tạo ra hàng triệu virus trong cơ thể một người, dẫn đến nhiều virus SARS-CoV-2 bị đột biến. Tuy nhiên, số lượng virus đột biến lại ít hơn rất nhiều so với số lượng virus khác.
Gần như tất cả các đột biến không thay đổi cách thức hoạt động của virus, có đột biến trên thực tế còn gây hại cho virus. Dù vậy, một số thay đổi nhỏ có thể làm cho virus dễ lây nhiễm hơn, nhưng những đột biến này cũng cần có sự may mắn. Để tạo ra một chủng virus mới, đột biến phải xâm nhập thành công vào một người mới và sao chép thành nhiều bản.
Biến thể bùng phát ra sao
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu như không có virus đột biến nào được truyền từ vật chủ ban đầu sang người khác. Trong trường hợp ngoại lệ, lượng virus đột biến rất nhỏ so với các virus thông thường khác.
Hiện tượng trên gọi là "nút cổ chai dân số" giới hạn nguy cơ phát sinh một biến thể mới. Như vậy, sự ra đời của một biến thể liên quan tới lỗi sao chép và khả năng lây truyền hiếm hoi.
Trong số hàng triệu bản sao virus SARS-CoV-2 ở một người bệnh, rất khó xảy ra khả năng một đột biến có khả năng khuếch đại thành một biến thể mới.
Thật không may, sự lây lan không kiểm soát của virus hiện tại có thể vượt qua ngay cả những nút thắt cổ chai chặt nhất, khi mỗi ngày trên thế giới có 600.000 ca nhiễm mới.
Một số đột biến có thể và đã làm tăng mức độ lây lan của virus. Nó sẽ bắt đầu cạnh tranh với các chủng ít lây nhiễm hơn và tạo ra một biến thể mới - giống như biến thể Delta đã làm.
Nhiều nhà khoa học đang tìm hiểu xem những đột biến nào dẫn đến các phiên bản virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền hơn. Theo đó, các biến thể có nhiều đột biến giống nhau làm tăng tải lượng virus trong mỗi bệnh nhân.
Hàng tỷ người vẫn chưa tiêm vắc xin, các đối tượng dễ mắc bệnh vẫn còn nhiều. Chọn lọc tự nhiên sẽ ưu tiên những đột biến có thể tấn công tất cả những người chưa được chủng ngừa.
Trong hoàn cảnh này, cách tốt nhất để hạn chế sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 là giảm số lượng ca bệnh.
Vắc xin sẽ chặn đứng các biến thể
Biến thể Delta đã lan rộng trên toàn cầu và các biến thể khác đang gia tăng. Nếu mục tiêu là hạn chế số ca bệnh thì vắc xin chính là câu trả lời.
Mặc dù những người được tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm Covid-19 nhưng họ có xu hướng bị nhẹ hơn và thời gian hồi phục ngắn hơn những người không được chủng ngừa. Điều này làm giảm đáng kể cơ hội của các virus đột biến có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc kháng vắc xin.
Thế giới đã chứng kiến mối quan hệ giữa số ca bệnh và sự gia tăng của các biến thể. Về cơ bản, virus SARS-CoV-2 không thay đổi trong nhiều tháng cho đến khi đại dịch vượt khỏi tầm kiểm soát. Với tương đối ít ca bệnh, mã di truyền có ít cơ hội để đột biến. Nhưng khi đại dịch bùng nổ, virus đã có các đột biến tạo nên chủng mới khỏe hơn.
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nguyen-nhan-xuat-hien-cac-bien-the-covid-19-773686.html