Phẫu thuật thẩm mỹ - những lời khuyên để không bao giờ phải gánh hậu quả (Thứ bảy, 10 tháng 12, 2016)

Để lấy lại tuổi xuân, sự gợi cảm cho vòng 1, vòng 3… nhiều người đã không ngần ngại nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ mà không lường hết rủi ro.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

 

Đi tìm nguyên nhân

Các chuyên gia y tế Hoa Kỳ mới đây đã có những cảnh báo về biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, TS. Rod Rohrich thuộc đại học Texas khuyến cáo: “Các ca phẫu thuật thẩm mỹ có nguy cơ tai biến cao hơn bất kỳ các cuộc phẫu thuật nào. Nó không giống với việc bạn mua một đôi giày không thích thì có thể gửi trả lại. Nếu phẫu thuật chẳng may có sơ xuất, bạn không thể sống cuộc sống bình thường như trước đấy được nữa”.

Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện 108 Hà Nội, BS. Nguyễn Văn Phương cho biết: Hiện nay ở Việt Nam các biến chứng trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra nhiều hơn so với các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do kinh nghiệm phẫu thuật của các bác sĩ thẩm mỹ nước ta vẫn còn non kém.

Theo bác sĩ Phương, ngay Bệnh viện 108 được xếp là một trong những bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tốt ở Việt Nam hiện nay, thì cũng chỉ mới có hơn 20 năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trang thiết bị của ta cũng không hiện đại bằng các nước bạn, tốc độ cập nhất những tiến bộ y học mới cũng chậm hơn nhiều so với các nước bạn. Đặc biệt là khâu đào tạo các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tương lai cũng chưa thật sự hiệu quả.

Ai cũng biết, đào tạo được một bác sĩ ở Việt Nam thì phải mất rất nhiều thời gian, nhưng số giờ để các bác sĩ có thể thực hành trong trường thì lại rất ít. Mọi người chủ yếu được đào tạo theo dạng sách vở. Trong 4 năm đầu, tất cả các bác sĩ thuộc các khoa khác nhau đều được học những môn đại cương giống nhau. 2 năm cuối mới được học theo chuyên ngành.

Ngoài ra, ở các nước tiên tiến, việc đánh giá một bác sĩ có đủ trình độ để cầm dao mổ hay không đều phải do một hội đồng y khoa có tiếng tăm thẩm định. Điều này lại chưa được ngành y nước ta đưa vào chương trình đào tạo để đánh giá đúng trình độ chuyên môn của các bác sĩ.

Thêm một nguyên nhân cuối rất quan trọng nhưng hay bị người dân bỏ qua để phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi phẫu thuật thẩm mỹ là cách chọn nơi để “trao thân, gửi phận”. Không hiểu vì lý do gì mà người dân nước mình rất hay có tâm lý thích đến những phòng phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân hơn là đến những bệnh viện chuyên ngành. Nếu làm một phép so sánh nhỏ, ta có thể dễ dàng nhận thấy một điều hiển nhiên là chất lượng tay nghề của các bác sĩ phòng khám tư thường không đảm bảo so với các bệnh viện lớn chuyên ngành.

Bởi hiện tượng một số bác sĩ muốn mở phòng phẫu thuật riêng nhưng do không có tay nghề chuyên môn, họ có thể dễ dàng đi thuê bằng của những người có tên tuổi, kinh nghiệm để đủ điều kiện. Còn nếu xét về đội ngũ y bác sĩ trợ giúp và trang thiết bị hỗ trợ thì các phòng phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân cũng khó lòng sánh bằng các bệnh viện lớn. Có lẽ chính vì những yếu tố đó mà rủi ro trong quá trình phẫu thuật ở các cơ sở tư nhân cũng tăng cao.

5 loại phẫu thuật thẩm mỹ nên tránh

1. Phẫu thuật kéo dài chân

Các chuyên gia sẽ đập gãy một hoặc cả hai chân của bạn, sau đó dùng các vít và nẹp sắt, từ từ kéo xương ra. Quá trình phẫu thuật này dài hay ngắn là tùy vào cơ thể và sức khỏe của từng người. Không những phải chịu những đau đớn về thể xác, bạn còn phải mất một khoản tiền khá lớn cho việc làm này. Vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn dù có sở hữu chiều cao hơi khiêm tốn cũng không nên tìm đến với cách làm đẹp nguy hiểm này.

2. Phẫu thuật gọt hàm, độn cằm

Đây là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ khó đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm chuyên môn cao. Nếu bạn đến với những trung tâm không có uy tín thì hậu quả của những lần phẫu thuật đó có thể là khuôn mặt kinh dị khiến nhiều người hoảng hốt.

3. Phẫu thuật nâng ngực, độn mông

Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật tạo hình Mỹ cho rằng nó vẫn nguy hiểm vì nguy cơ khối mỡ cấy vào bị vôi hóa, tạo ra những khối sẹo lớn trong mô ngực. Sự vôi hóa này cũng có thể che khuất khiến những người nâng ngưc khó phát hiện ung thư vú. Ngoài ra, có rất nhiều người bị dị ứng với silicon gây tức ngực khó thở nguy hiểm tới tính mạng.

4. Làm tan mỡ bằng hóa chất

Các chuyên gia sẽ dùng kim nhỏ tiêm vào cơ thể bạn một hợp chất giúp hòa tan các khối mỡ. Tuy nhiên, các hóa chất này không an toàn khi tiêm vào cơ thể bạn vì đố ai biết điều gì sẽ xảy ra với khối mỡ đó?

5. Phẫu thuật cắt mí, bọng mắt

Mắt là nơi rất nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thị giác của bạn sau này, chính vì vậy đối với những phẫu thuật thẩm mỹ ở vùng mắt phải hết sức thận trọng, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo SKGĐ - Dẫn lại từ http://khoe360.tienphong.vn/