Các chuyên gia quốc tế hy vọng cộng đồng hiểu rõ quy tắc "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhận định thuốc điều trị Covid-19 chỉ là vũ khí dự phòng cho vaccine, không phải "viên đạn bạc" đẩy lùi dịch bệnh.
Một năm sau khi vaccine Covid-19 tạo hy vọng kết thúc đại dịch, giới khoa học công bố kết quả thử nghiệm hai loại thuốc viên kháng virus tiềm năng, giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong.
Nếu được phê duyệt, paxlovid từ Pfizer và molnupiravir từ Merck sẽ trở thành hai loại thuốc viên đầu tiên chữa Covid-19 từ giai đoạn đầu chỉ trong 5 ngày, khi bệnh nhân vừa biểu hiện triệu chứng. Nhiều người cho rằng loại thuốc có thể đẩy lùi căn bệnh đáng sợ đã lây lan hai năm, giết chết hơn 5 triệu người.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc cộng đồng đặt quá nhiều hy vọng vào thuốc, từ đó bỏ qua quy tắc tất yếu "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Họ cho rằng chỉ paxlovid và molnupiravir không đủ sức kết thúc Covid-19. Thế giới cần bổ sung vũ khí đẩy lùi virus, tiếp tục xây dựng và duy trì phương án chống dịch về lâu dài gồm: vaccine, liều tiêm tăng cường, thuốc kháng virus, kháng thể phòng bệnh, truy vết và xét nghiệm, kịp thời phân nhóm bệnh nhân phù hợp với từng hình thức điều trị.
"Chúng ta sẽ cần kết hợp rất nhiều phương pháp nếu muốn lội ngược dòng thành công, thay vì chỉ cố gắng điều trị những bệnh nhân chuyển nặng nguy kịch", tiến sĩ David Boulware, khoa Truyền nhiễm, Đại học Y Minnesota, nhận định. Ông lạc quan cho rằng tình hình sẽ sáng sủa hơn trong vòng 6 tháng nữa.
Thuốc uống tại nhà giảm nguy cơ nhập viện là bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch. Song bài học lớn sau hai năm Covid-19 càn quét là dịch bệnh thay đổi phức tạp không ngừng. Thực tế, vaccine hiệu quả hơn nhiều so với mong đợi. Nhưng tại Mỹ, nơi có nguồn cung dồi dào, số người tử vong vì Covid-19 cao hơn năm ngoái. Tương tự, thuốc kháng virus là vũ khí mạnh mẽ, nhưng không phải "viên đạn bạc" trong cuộc chiến.
Ban đầu, thuốc được chỉ định cho người nguy cơ nhiễm nCoV nặng do tuổi tác hoặc các yếu tố khác. Người bệnh cần nhận ra triệu chứng sớm, đi xét nghiệm và bắt đầu điều trị ngay lập tức.
Hai thuốc uống đều hiệu quả, nhưng còn một số hạn chế. Molnupiravir giảm một nửa nguy cơ chuyển nặng và tử vong trong thử nghiệm lâm sàng, song một số người vẫn phải nhập viện. Paxlovid hiệu quả 89%, nhưng phải dùng trong vài ngày kể từ khi có triệu chứng. Bệnh nhân dễ bỏ qua thời điểm vàng uống thuốc.
Qua thời gian, các chuyên gia học được cách không đánh giá thấp virus. Ngay khi phương pháp điều trị phổ biến hơn, họ sẽ theo dõi dấu hiệu kháng thuốc.
"Luôn giữ tinh thần lạc quan bên cạnh chiến lược mới đi kèm. Tôi lạc quan rằng chúng ta đã có phương thuốc mới chống lại căn bệnh, nhưng cũng thận trọng hiểu rằng đây chỉ là một sự lựa chọn. Nó chỉ hoạt động nếu tất cả các chiến lược khác cũng hiệu quả và mạnh mẽ", Erica Johnson, Chủ tịch Tổ chức Truyền nhiễm, Hội đồng Nội khoa Mỹ, kiêm giáo sư Trung tâm Y tế Johns Hopkins Bayview, nhận định.
Carl Dieffenbach, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu AIDS, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đã dành hàng thập kỷ chiến đấu với virus HIV. Đến nay, nỗ lực điều chế vaccine không thành công, nhưng căn bệnh đã bớt nguy hiểm hơn nhiều nhờ vào phương pháp điều trị và chiến lược phòng ngừa.
Ông Dieffenbach cho rằng thế giới cần có cái nhìn tương tự với Covid-19. Các nước nên xây dựng kho vũ khí gồm nhiều loại thuốc, sử dụng công nghệ khác nhau nhằm đẩy lùi virus. Một nhóm thuốc giúp ngăn chặn nCoV xâm nhập tế bào như liệu pháp kháng thể đơn dòng. Nhóm thuốc khác can thiệp vào protease (các enzym mà virus sử dụng) để xử lý protein giống paxlovid của Pfizer. Loại thứ ba, như molnupiravir, liên kết với enzym khác để chặn virus nhân lên.
Theo Dieffenbach, cần tấn công Covid-19 từ cả ba góc độ, đồng thời có phương án dự phòng, kết hợp trong trường hợp virus biến đổi và kháng từng loại thuốc đơn lẻ.
"Cần tối thiểu 6 phương pháp điều trị. Càng nhiều càng tốt, 9 hay 12 loại cũng được. Các công ty có thể sản xuất thuốc trên quy mô lớn, sẵn có như aspirin hay Tylenol", ông nói.
Cả Pfizer và Merck đều bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất trước khi được chấp thuận. Pfizer có kế hoạch cho ra 50 triệu liệu trình điều trị vào năm 2022. Merck dự kiến sản xuất 10 triệu liệu trình trong năm nay.
Khi đã có thuốc, thế giới cũng cần điều chỉnh để thích nghi. Bên cạnh công cụ y tế, Dieffenbach kêu gọi các nước chủ động đề ra quy định phù hợp thời bình thường mới. Trong đó, người có triệu chứng hô hấp sẽ được xét nghiệm và sử dụng thuốc trong vòng ba đến 5 ngày, không cần kê đơn.
"Trong tương lai, có thể người dân không cần đi khám bác sĩ nếu có triệu chứng (nghi mắc Covid-19). Bạn có thể test nhanh tại nhà, sau đó đi mua thuốc hoặc có sẵn thuốc để dùng ngay lập tức", ông nói.
Một số nhà khoa học lo ngại người dân sẽ dùng thuốc như một cái cớ để tránh tiêm chủng. Họ đặt câu hỏi liệu có ai trốn tiêm vaccine, không xét nghiệm khi có dấu hiệu đầu tiên, từ đó chậm điều trị bằng thuốc?
Giới chuyên gia hy vọng cộng đồng hiểu rằng phòng bệnh từ đầu là biện pháp tốt hơn cả. Rajesh Gandhi, bác sĩ truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết phương pháp điều trị chỉ có vai trò dự phòng cho vaccine.
Theo Washington post
https://vnexpress.net/chuyen-gia-thuoc-covid-19-la-vu-khi-du-phong-cho-vaccine-4393604.html