Giảm cân là nhu cầu làm đẹp chính đáng cho những ai đang có một thân hình "quá khổ" nhưng cần cân nhắc trước khi quyết định giảm cân bằng thuốc - dù là thuốc uống hay thuốc tiêm.
Lipostabil, thuốc tiêm tan mỡ đang được sử dụng ở Việt Nam. |
Gian nan con đường giảm béo
29 tuổi, mới sinh một đứa con nhưng chị Phượng, nhà ở cư xá Phú Lâm B, quận 6, TP HCM đã có dấu hiệu của sự thừa cân. Dưới cằm chị là một nọng mỡ còn bụng và đùi thì "phát triển" đến mức "không còn mặc quần jean được nữa". Và mặc dù anh Thành, chồng chị đã nói: "Chuyện nhỏ, miễn sao cứ khỏe mạnh là tốt rồi" nhưng trong thâm tâm, chị Phượng vẫn muốn tìm lại dáng vẻ thon thả ngày xưa.
Thế rồi, qua sự chỉ dẫn của một người bạn, chị Phượng tìm đến một thẩm mỹ viện ở đường Lê Hồng Phong, quận 10. Tại đây, một cô nhân viên đã nhiệt tình giới thiệu cho chị những biện pháp giảm béo, trong đó cô nhấn mạnh "làm tan mỡ bằng cách tiêm thuốc là hiệu quả nhất" vì theo lời cô ta: "Không đau, ít khi bị dị ứng, không gây rối loạn nội tiết, giảm chứng béo phì, phân hủy mỡ…", chưa kể thuốc tiêm còn "phục hồi vi tuần hoàn, tái tạo và bảo vệ mô liên kết, giúp trẻ hóa làn da (?!)".
Trước những lời quảng cáo "có cánh" này, chị Phượng xiêu lòng. Theo lời chị, để xóa nọng mỡ dưới cằm, chị phải tiêm 4 lần, mỗi lần 4 triệu đồng. Chị Phượng cho biết: "Riêng phần mỡ bụng, cô nhân viên tư vấn cho tôi là mỡ bụng trên, tôi phải tiêm 4 lần, mỗi lần 6 triệu còn mỡ bụng dưới cũng tiêm 4 lần nhưng mỗi lần là 8 triệu. Tổng cộng để xóa nọng cằm, mỡ bụng, tôi phải tốn 72 triệu đồng".
Tuy nhiên, thấy số tiền quá lớn, đồng thời chưa biết có hiệu quả hay không vì nếu chẳng may mỡ không tan, thì không lẽ đòi tiền lại, chị hỏi cô nhân viên loại thuốc tiêm đó là thuốc gì để tìm hiểu thêm thì cô chỉ nói chung chung, rằng "thuốc này nhập từ Mỹ về, chất lượng bảo đảm lắm".
Cũng như chị Phượng, chị Minh Tâm, cán bộ thuộc UBND của một phường ở quận 8, TP HCM thừa hưởng một thân hình "đồ sộ". Theo lời Tâm, thì cô đã áp dụng không dưới 10 cách giảm béo: "Thoạt đầu, một thẩm mỹ viện cho em uống Miraflocid mỗi ngày 1 viên trong 30 ngày, giá mỗi viên 200 nghìn đồng". Uống được 1 tuần, thấy không hiệu quả, lại còn bị ảo giác, người cứ lắc lư như đi... trên mây! Hỏi thăm một bác sĩ gần nhà, ông cho biết nếu uống liên tục, nó sẽ khiến cho não bộ con người không còn sản xuất ra chất dopamine - là chất điều khiển sự nhận thức. Tệ hại hơn, nó còn là một trong những nguyên nhân đưa đến bệnh liệt rung (Parkinson) nên hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấm lưu hành loại thuốc này.
Hoảng quá, cô ném những viên Miraflocid còn lại vào thùng rác rồi chuyển sang uống trà giảm béo, mua đai giảm béo về đeo nhưng cũng chẳng ăn thua, chưa kể cô suýt bị bỏng vì nhiệt độ quá cao từ chiếc đai… thổ tả! Cuối cùng, Tâm quyết định chọn một thẩm mỹ viện thường xuyên xuất hiện trên báo chí, truyền hình, với lời quảng cáo: "Giảm béo bằng phương pháp xông hơi, xoa bóp, đắp thảo mộc. Xuống từ 3 đến 5kg trong 30 ngày".
Theo lời Tâm, lúc đến tận nơi tìm hiểu, cô được biết mỗi ngày cô phải xông hơi, xoa bóp, đắp thảo mộc trong 90 phút với giá 150 nghìn đồng. Hỏi thăm mấy chị đang ngồi đợi đến lượt mình vào phòng xông hơi, một chị cho biết: "Cũng chưa thấy giảm gì lắm, nhưng được cái là người khỏe hẳn". Tâm nói: "Kiên trì xông hơi, xoa bóp, đắp thảo mộc 1 tháng, em thấy chỉ giảm chưa tới 1kg nên em quyết định đi tiêm".
Tiêm tan mỡ cho khách hàng tại một thẩm mỹ viện. |
Tại một thẩm mỹ viện trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, Tâm được bác sĩ giải thích: "Có nhiều phương pháp để giải quyết mỡ thừa, chẳng hạn như phẫu thuật hút bỏ đi hoặc đơn giản hơn, tiêm một loại thuốc vào cho tan mỡ. Phương pháp này gọi là Mesotherapy, thực hiện 2 hoặc 3 tuần một lần.
Tâm cho biết: "Em cũng định tiêm nhưng trên trang web "giadinh", có một chị đưa lên bài viết, rằng chị ấy đã tiêm thuốc tan mỡ tại một trung tâm săn sóc sắc đẹp ở quận Bình Thạnh. Sau khi tiêm, đúng là mỡ có giảm nhưng chỉ một thời gian ngắn, vùng da nơi chỗ tiêm bị biến dạng. Hiện tại, chị ấy thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau nên em sợ quá, chưa dám làm".
Thuốc tiêm giảm béo là thuốc gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân là hiện tượng cân nặng vượt quá so với chiều cao, còn béo phì là sự rối loạn chuyển hóa mỡ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, nội tiết. Khi đánh giá béo phì thì không chỉ tính đến cân nặng, mà phải tính cả tỉ lệ mỡ trong cơ thể.
Cũng theo WHO, việc giảm cân đòi hỏi một quá trình điều chỉnh dinh dưỡng và tiêu hao năng lượng cơ thể, còn tác động bằng thuốc để giảm cân nhanh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi lẽ khi áp dụng biện pháp giảm cân nhanh, thì cơ thể cũng giảm trao đổi chất, thể tích các cơ giảm, dẫn đến suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nuôi dưỡng da…
Tuy nhiên, đánh vào tâm lý của phần lớn chị em phụ nữ, muốn thon thả thật nhanh, nhiều trung tâm làm đẹp, thẩm mỹ viện đã và đang quảng cáo liệu pháp tiêm tan mỡ. Theo giới thiệu, chỉ cần tiêm thuốc gây tan mỡ vào những vùng "béo" là mỡ sẽ tan đi. Loại "thuốc" mà họ sử dụng ở đây có thành phần chính là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ deoxycholate natri (DC) - một loại muối mật, dưới những cái tên thương mại như Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.
Ngược dòng thời gian, năm 1975, các bác sĩ người Đức là Stohlmacher, Haferland và Gottschall đã công bố một đề tài nghiên cứu có tên "Viêm phổi sau thuyên tắc béo được điều trị bằng Lipostabil". Và mặc dù các bác sĩ này đã chứng minh sự thiếu an toàn và hiệu quả của nó, nhưng nó vẫn được lưu hành tại một số nước châu Âu, chuyên dùng để chữa chứng thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ, rối loạn lipid máu. Khi tiêm Lipostabil vào các mô mỡ, nó sẽ dần dần phá hủy những tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương. Tuy nhiên, sau một thời gian, các bác sĩ nhận ra rằng bên cạnh việc phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh, nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc.
Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ, sẽ giải phóng ra triglyceride chất béo ở dạng nhũ tương. Cơ thể giải quyết lượng nhũ tương ấy bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính đến "ăn" phần nhũ tương và các tế bào chết. Như vậy, sẽ có một lượng lớn các hạt mỡ nằm trong các bạch cầu và đại thực bào đi vào máu, rồi đến gan, thận để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, biện pháp ấy của cơ thể không thể giải quyết ngay được một số lượng lớn triglyceride ứ đọng, dẫn đến các hiện tượng như u mỡ tại chỗ, viêm mô tế bào, sẹo vĩnh viễn, đau nhức, thậm chí hoại tử da, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ.
Tuy nhiên, lợi dụng đặc điểm của Lipostabil, một số trung tâm săn sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" làm tan mỡ. Ngày 7/4/2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và sau đó là Bộ Y tế của nhiều nước như Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia…, đã ra cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Thậm chí FDA còn nhấn mạnh: "Mọi hành vi quảng cáo, mua bán, lưu hành Lipostabil trên lãnh thổ Mỹ đều bị coi là chống lại luật pháp Mỹ".
Có nên tiêm thuốc giảm béo hay không?
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 100 loại thuốc giảm béo đang lưu hành trên thị trường, gồm 2 dạng là thuốc uống và thuốc tiêm - trong đó thuốc tiêm là những loại như Photphatidylcholine, Deoxycholate, Lipostabil, Dermaheal LL Liponsaure hoặc tổng hợp 3 chất Choline, Inostiol và Methionine. Nhưng dù thuộc dạng nào, nó cũng vẫn quy về 3 loại chính. Đó là thuốc làm no ống tiêu hóa, thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và thuốc gây chán ăn.
Theo Giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, thì: "Tất cả những loại thuốc này đều có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe người sử dụng, trong đó nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn". Tuy nhiên, có lẽ do Việt Nam chưa có cảnh báo về thuốc Lipostabil nên nó vẫn được một số trung tâm săn sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện quảng cáo tràn lan.
Trên nhiều trang web, Lipostabil hầu như đều có chung lời giới thiệu: "Thuốc đi sâu vào lớp hạ bì, tăng cường khả năng giải phóng mỡ và lưu thông khí huyết. Tác dụng làm cho bề mặt da căng, phẳng mịn, giải quyết triệt để hiện tượng vỏ cam".
Trên trang web vatgia, thuốc tiêm tan mỡ còn được "nổ" như sau: "Dermaheal LL (thực chất thì thành phần chính của nó vẫn là Phosphatidylcholine), một thương hiệu chăm sóc da hàng đầu với hơn một thập kỷ các nghiên cứu về cấu trúc tự nhiên của tổ chức tế bào, khám phá và xây dựng các cấu trúc phân tử sinh học có thể kích thích tái tạo lại tế bào da mang lại vẻ đẹp tự nhiên rạng rỡ cho mọi lứa tuổi. Dermaheal ngày nay tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm và đã được nhiều tổ chức y tế uy tín công nhận và đã có mặt tại 130 quốc gia trên toàn thế giới".
Chưa hết, bài viết trên trang web này còn khẳng định: "Dermaheal được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực da liễu thẩm mỹ, trong đó có dòng tiêu mỡ Dermaheal LL plus đã được cấp bằng sáng chế của Tổ chức FDA cũng như được kiểm duyệt và chứng minh hiệu quả từ rất nhiều tổ chức y tế", trong lúc FDA là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, và nó hoàn toàn không có quyền cấp "bằng sáng chế".
Còn trang web "chamsocda", thì: "Thuốc còn có tác dụng đánh tan mỡ thừa ở những vùng khó giảm cân nhất, thậm chí cả những vùng tập thể dục không đạt được kết quả nhưng thuốc có thể giúp bạn làm được điều đó".
Một nạn nhân của thuốc tiêm giảm béo là chị Thảo, nhà ở đường Ngô Quyền, quận 10, TP HCM. Với mong muốn xóa tan cái "nây" ở bụng, chị đã đến một thẩm mỹ viện cũng nằm trên địa bàn quận 10 - và thẩm mỹ viện này đã bị Sở Y tế TP HCM lập biên bản, đình chỉ hoạt động vì chưa có giấy phép - để tiêm giảm béo. Theo lời chị, chị phải tiêm đến 8 mũi, mỗi mũi giá 10 triệu đồng: "Thoạt đầu, sau khi tiêm xong, đúng là bụng tôi có nhỏ đi thật nhưng chỉ khoảng 1 tháng, nó bắt đầu xuất hiện những cơn đau, chưa kể da bụng ngay những chỗ tiêm rạn ra, đồng thời có những cục u bằng đầu ngón tay cái. Đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược, bác sĩ nói đó là những u mỡ, hình thành từ việc tiêm thuốc tan mỡ nhưng cơ thể không hấp thu hết được".
Bây giờ, muốn giải quyết những "của nợ" này thì chẳng còn cách nào khác là phải mổ, bóc tách nó ra. Chị Bình, nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, khi lật áo lên cho chúng tôi xem vùng da bụng tím bầm, nhăn nhúm, đã cười méo xẹo: "Tốn gần 80 triệu đồng mà giờ nó thế này đây".
Tôi hỏi chị tiêm mấy mũi và tiêm bao lâu rồi?, Chị đáp: "6 mũi trong 1 tháng rưỡi. Đi khám ở Bệnh viện Da liễu, bác sĩ nói cần theo dõi liên tục và nếu có dấu hiệu hoại tử da thì phải nhập viện ngay. Bây giờ ngày nào tui cũng phải uống thuốc giảm đau. Tan mỡ đâu chưa thấy, chỉ thấy muốn tan luôn tính mạng".
Giảm cân là nhu cầu làm đẹp chính đáng cho những ai đang có một thân hình "quá khổ" nhưng cần cân nhắc trước khi quyết định giảm cân bằng thuốc - dù là thuốc uống hay thuốc tiêm.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Nga, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thì: "Chị em nên hết sức thận trọng với các quảng cáo về liệu pháp chích tan mỡ. Nếu muốn làm thon gọn cơ thể, trước hết nên tập thể dục và ăn kiêng. Khi đã có cân nặng hợp lý, ổn định mà trên cơ thể vẫn còn những vùng thừa mỡ cục bộ, có thể lựa chọn phương pháp hút mỡ với sự hỗ trợ của các thiết bị đã được các tổ chức y tế uy tín trên thế giới chứng nhận về tính năng, hiệu quả và độ an toàn…"
Vũ Cao
http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Tiem-thuoc-tan-mo-giam-beo-Coi-chung-tan-luon-cuoc-doi-306467/