Cho đến nay, quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 đã chứng tỏ kết quả đầy hứa hẹn nơi người lớn. Tuy nhiên, thử nghiệm vắc xin trên trẻ em chỉ mới bắt đầu.
Đây là bước quan trọng tiếp theo của các hãng dược phẩm hàng đầu như Pfizer và Moderna (Mỹ) để chứng minh vắc xin đáp ứng tính hiệu quả và an toàn.
Giữa tháng 10-2020, Tập đoàn dược phẩm Pfizer đã được phép thử nghiệm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati ở bang Ohio (Mỹ).
Một tháng sau, thử nghiệm đã cho kết quả thuận lợi.
Khoảng 400 thiếu niên từ 16-17 tuổi tham gia thử nghiệm đã được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 của Pfizer cùng với khoảng 100 trẻ em trong độ tuổi 12-15.
Kết quả cho thấy chỉ khoảng 13% số trẻ em tình nguyện gặp tác dụng phụ nhẹ còn 87% không bị tác dụng phụ nào.
TS Robert Frenck - người phụ trách thử nghiệm của Pfizer tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, thông tin với kênh truyền hình Mỹ Fox Business: "Những gì chúng tôi quan sát đến nay là vắc xin đạt độ an toàn tương tự như người lớn. Chúng tôi ghi nhận một số em có đau, nhức nhưng không nghiêm trọng hoặc đến nỗi phải nghỉ học".
Ông đánh giá với kết quả này, có thể mở rộng thử nghiệm sang các nhóm tuổi nhỏ hơn.
TS Robert Frenck trấn an các phụ huynh không nên lo ngại quá đáng về tác dụng phụ của vắc xin: "Chúng tôi khẳng định vắc xin này không thể gây bệnh COVID-19 vì nó không phải là virus sống".
Ông khẳng định đến nay mức độ an toàn của vắc xin đối với trẻ em tương đương người lớn nên sắp tới trẻ em hay người lớn đều được tiêm cùng một liều vắc xin COVID-19 như nhau.
Theo thống kê ở Mỹ có hơn 1 triệu trẻ em được ghi nhận nhiễm COVID-19, chiếm 11,5% tổng số ca nhiễm với hơn 9.000 trẻ phải nhập viện và gần 150 trẻ tử vong.
Nhiều người đặt câu hỏi có cần thiết phải thử nghiệm vắc xin cho trẻ em hay không vì đến nay hầu hết trẻ em đều không mắc bệnh COVID-19.
TS Robert Frenck giải thích: "Chúng tôi cần thử nghiệm với trẻ em và tiêm chủng cho trẻ em bởi vì ngay cả khi tỉ lệ nhiễm có thể không cao, trẻ em cũng bị nhiễm, ngã bệnh và tử vong. Chúng tôi cần một loại vắc xin không chỉ bảo vệ trực tiếp trẻ em mà còn ngăn ngừa trẻ vô tình lây nhiễm cho gia đình".
Ông nhận định để đưa trẻ đến trường, cha mẹ và các giáo viên cũng cần cảm thấy an toàn và tiêm chủng vắc xin là biện pháp bảo đảm mọi người không chỉ cảm thấy an toàn mà còn ngăn chặn virus từ xa.
https://tuoitre.vn/pfizer-khang-dinh-vac-xin-covid-19-on-cho-tre-em-lan-nguoi-lon-20201124143156339.htm