Triệu chứng dai dẳng HẬU COVID-19 (Thứ hai, 13 tháng 09, 2021)

Khi thành lập phòng khám "Covid-19 kéo dài" đầu tiên tại Bệnh viện Đại học London (UCLH) vào tháng 5 năm ngoái, Melissa Heightman hy vọng giúp đỡ các bệnh nhân từng phải thở máy nhiều tuần.

Bà nghĩ rằng quá trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh chóng.

"Thời kỳ đầu dịch, chúng tôi chưa rõ về di chứng sau mắc Covid-19. Chúng tôi tưởng nó sẽ giống với bệnh cúm, sớm biến mất và mọi người đều ổn", bác sĩ chuyên khoa hô hấp chia sẻ.

Song sau một năm, khác với phán đoán của bà Heightman, một phần ba số bệnh nhân trong phòng khám vẫn chưa hồi phục, hơn một nửa từng không nhập viện khi mắc Covid-19.

Thời điểm mở cửa, Heightman nhận hàng loạt cuộc gọi từ bác sĩ đa khoa địa phương. Họ bối rối trước lượng bệnh nhân đổ đến đột ngột, thường là người trẻ và không mắc bệnh nền. Sau khi nhiễm nCoV, các triệu chứng của họ chuyển dần thành mạn tính. Tất cả đều gặp tình trạng gần giống nhau, ban đầu mắc Covid-19 nhẹ, sau đó hàng loạt vấn đề kỳ lạ xuất hiện. Các triệu chứng tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng dù bệnh nhân đã âm tính nCoV.

Covid-19 kéo dài trở thành câu đố hóc búa mà giới y khoa không ngờ tới.

"Những bệnh nhân này ban đầu bị bỏ quên. Hầu hết bệnh viện không để ý đến họ, vì thiếu ngân sách mở phòng khám chuyên biệt dành cho hội chứng hậu Covid-19. Song giờ đây, nó chuyển thành mối quan tâm chính của chúng tôi", bà Heightman nói.

Hơn 80% bệnh nhân tại phòng khám của bà bị mệt mỏi, khó chịu, khiến cuộc sống hàng ngày gặp trở ngại. Họ không thể hoàn thành công việc đơn giản nhất. Các nghiên cứu phát hiện tình trạng mệt mỏi dai dẳng xuất hiện ở ít nhất 62% bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Các nhà khoa học cho biết cứ 10 người từng nhiễm nCoV thì một người phát triển triệu chứng mạn tính sau 12 tuần.

Phân loại bệnh nhân

Để hiểu đầy đủ về tình trạng phức tạp này, giới chuyên gia chia các bệnh nhân thành hai nhóm: người từng nhập viện và không nhập viện điều trị trong thời gian dương tính. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến Covid-19 kéo dài của mỗi nhóm khác nhau.

Đối với bác sĩ, nhóm đầu tiên dễ tìm hiểu và xử lý. Các di chứng là hậu quả điển hình của tổn thương tim phổi do nhiễm virus cấp tính, hoặc tình trạng bão cytokine - phản ứng thái quá của hệ miễn dịch. Hình chụp cắt lớp và cộng hưởng từ cho thấy mức độ tổn thương. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc như colchicine để làm giảm tình trạng viêm kéo dài trong cơ quan nội tạng.

Heightman cho biết hiện hai phần ba số bệnh nhân Covid-19 kéo dài tại phòng khám UCLH đang phục hồi tốt. Một phần ba còn lại tiến triển tích cực sau 6 tháng.

"Chúng tôi hy vọng những bệnh nhân này sẽ cải thiện và không ảnh hưởng đến cuộc sống. Chúng tôi cũng mong số bệnh nhân từng ở ICU chịu tổn thương tim phổi vĩnh viễn chỉ là dưới 10%", bà nói.

Các bệnh nhân không nhập viện vẫn bị Covid-19 kéo dài khiến bác sĩ gặp khó khăn hơn nhiều.

Theo bà Heightman, độ tuổi phổ biến của nhóm này là 35 đến 49. Một số khảo sát phát hiện tới 98 triệu chứng khác nhau. Nghiên cứu quốc tế công bố vào tháng 7/2021 chỉ ra hơn 200 dạng tổn thương trên 10 hệ cơ quan, bao gồm tim mạch, thần kinh, não bộ và hô hấp.

Biểu hiện phổ biến nhất là mệt mỏi, sương mù não, đau cơ, nhức khớp, rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, tức ngực, phát ban trên da, khứu giác, vị giác nhạy cảm và rối loạn chuyển hoá máu (tình trạng hiếm gặp khiến nhịp tim tăng nhanh khi hoạt động).

Bà Heightman cho biết khoảng 50% bệnh nhân Covid-19 kéo dài thuộc nhóm này đã hoàn toàn hồi phục, số còn lại vẫn chịu tổn thương dai dẳng.

Khảo sát gần đây từ Tổ chức Hợp tác Nghiên cứu Dựa trên Bệnh nhân (PLRC) vẽ ra bức tranh ảm đạm. Trong số hơn 3.700 người mắc Covid-19 kéo dài không nhập viện, 77% còn cảm thấy mệt mỏi sau 6 tháng, 72% vật lộn với tình trạng khó chịu và đuối sức, 55% rối loạn chức năng nhân thức và 36% bệnh nhân nữ có vấn đề kinh nguyệt.

"Tôi chưa đến chu kỳ kinh nguyệt đã ba tháng nay", Hannah Wei, một tình nguyện viên nói.

Theo khảo sát, đối với các bệnh nhân Covid-19 kéo dài điều trị tại nhà trong thời gian dương tính, các triệu chứng đến và đi theo ba đợt riêng biệt. Ban đầu, họ sốt và ho khan. Tiếp đến, người bệnh bị rối loạn chuyển hoá máu rồi giảm dần. Một tháng sau khi nhiễm nCoV, đợt triệu chứng thứ ba xuất hiện, bao gồm phát ban trên da, đau cơ, dị ứng và sương mù não.

"Đây là điều đáng lo ngại nhất, vì các đợt triệu chứng cứ trở nên tồi tệ hơn, đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng thứ 4 và tiếp tục kéo dài", bà Heightman giải thích.

Song câu hỏi tại sao Covid-19 tác động như vậy đến bệnh nhân, tại sao một số người nhiễm bệnh cách đây một năm vẫn không thể hồi phục còn chưa có lời giải đáp.

Hướng điều trị

Đối với Covid-19 kéo dài, mệt mỏi, đau nhức và sương mù não là triệu chứng dai dẳng, đáng lo ngại nhất.

"Khi phải vật lộn với chứng bệnh vào mùa hè năm ngoái, có những ngày tôi không biết mình đang làm gì", Wei nhớ lại. "Tôi cố gắng suy nghĩ rõ ràng. Một lần hồi tháng 9, tôi nhận ra mình không thể nhớ được điều gì về mùa hè. Đối với tôi nó khá đáng sợ, vì hẳn tôi đã có những kỷ niệm rất sống động".

Loại rối loạn trí nhớ này thường xảy ra ở người mắc "hội chứng mệt mỏi mạn tính". Nguyên nhân cơ bản là viêm thần kinh do hoạt động của tế bào miễn dịch trong não, gọi là microglia. Ở người khoẻ mạnh, microglia có vai trò quan trọng trong việc giữ tế bào thần kinh não hoạt động bình thường, song chúng rất dễ bị ảnh hưởng.

Tình trạng viêm trong máu từ phản ứng miễn dịch của cơ thể, hoặc nhiễm virus kéo dài có thể khiến microglia tự sản sinh phân tử gây viêm, phân tán qua não và dẫn đến vấn đề về trí nhớ.

Do đó, Valeria Mondelli, chuyên gia miễn dịch tại Kings College London, ủng hộ thử nghiệm thuốc chống viêm cho bệnh nhân Covid-19 kéo dài.

"Các thuốc kháng sinh như minocycline - thường dùng cho bệnh nhân có mức độ viêm cao trong máu, hoặc thuốc ức chế cytokine sẽ là lựa chọn tiềm năng", bà nói.

Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh ở người bệnh Covid-19 kéo dài là lý do gây triệu chứng viêm dai dẳng. Dù cần nghiên cứu thêm, song nhiều phân tích riêng lẻ chứng minh bác sĩ có thể điều trị hiệu quả từng triệu chứng.

Theo bà Heightman, những bệnh nhân có biểu hiện dị ứng thường đáp ứng tốt với thuốc kháng histamine.

Trong khi đó, Amy Kontorovich, bác sĩ tim mạch tại Mount Sinai, đã phát triển chương trình vật lý trị liệu mới gọi là Liệu pháp Điều hòa Tự động (ACT) dành cho người bị Covid-19 kéo dài. Đến nay, liệu pháp được hơn 53 trung tâm trị liệu khắp New York áp dụng.

ACT bắt đầu với một loạt bài tập vận động, sau đó chuyển sang nhiều bài aerobic khác nhau, cường độ tăng từ từ, song nhịp tim của bệnh nhân không được vượt quá 85% so với mức tối đa. Liệu pháp lấy cảm hứng từ chương trình phục hồi một dạng rối loạn chuyển hóa máu.

https://vnexpress.net/trieu-chung-dai-dang-hau-covid-19-4353499.html